LÀM RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA 3 BÊN TRONG KINH DOANH ĐA CẤP

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại hội thảo

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy định tại dự thảo cho phép người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ trong mọi trường hợp là không cần thiết.

Tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức ngày 9-2, các đại biểu góp ý, quy định về kinh doanh đa cấp phải giới hạn được trách nhiệm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp, chủ thể bán hàng đa cấp và người tiêu dùng.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, Công ty Luật quốc tế Baker McKenzie Việt Nam cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật và hiệu quả trong quá trình thực thi các quy định pháp luật, cơ quan soạn thảo dự án Luật cần xem xét loại bỏ các quy định trong dự án Luật về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các điều khoản về bảo vệ thông tin người tiêu dùng (nếu có), chỉ nên quy định dưới dạng dẫn chiếu sang pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trong khi đó, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng. Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, quy định tại dự thảo cho phép người tiêu dùng được quyền đồng thời đề nghị cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội hỗ trợ trong mọi trường hợp là không cần thiết.

Theo luật sư Trương Thanh Đức, chỉ nên quy định người tiêu dùng yêu cầu một trong hai tổ chức tham gia hỗ trợ, trừ một số trường hợp đặc biệt như tổ chức, cá nhân kinh doanh không trả lời trong thời hạn quy định hoặc tổ chức được yêu cầu không tham gia hỗ trợ khi đã hết thời hạn quy định. Bên cạnh đó, cần xác định thời điểm kết thúc thương lượng; ấn định ngày chậm nhất phải báo cáo trong trường hợp không xác định được thời điểm kết thúc thương lượng.

Làm rõ trách nhiệm của 3 bên trong kinh doanh đa cấp ảnh 1
Đại biểu dự hội thảo

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp, bà Tạ Dịu Thương – Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam cho rằng, quy định tổ chức bán hàng đa cấp phải “Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người tiêu dùng đối với hoạt động của cá nhân tham gia bán hàng đa cấp” tại điểm đ khoản 1 điều 45 dự án Luật là chưa phù hợp. Doanh nghiệp bán hàng đa cấp không nên và không thể chịu trách nhiệm cho hành vi của một chủ thể khác trong mối quan hệ của chủ thể đó với người tiêu dùng.

Làm rõ trách nhiệm của 3 bên trong kinh doanh đa cấp ảnh 2
Bà Tạ Dịu Thương – Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam

Tuy nhiên, mối quan hệ bán hàng của cá nhân bán hàng đa cấp cho người tiêu dùng có liên quan tới hàng hóa của doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Do đó, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình được người tham gia bán hàng đa cấp bán cho người tiêu dùng. Trách nhiệm sản phẩm được quy định tại các luật liên quan như Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật An toàn thực phẩm. Ngoài ra, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp cũng đã được quy định tại khoản 2, điều 33 Dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương bày tỏ quan tâm đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng là người yếu thế. Ông nhấn mạnh, dự án Luật cần nêu rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ người tiêu dùng là người yếu thế như người khuyết tật, người nghèo…

Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi các nền tảng số, dịch vụ công nghệ thông tin ngày càng đa dạng, ông Vũ Tú Thành, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cho biết, một số phần mềm, ứng dụng cài đặt sẵn hoặc bắt buộc phải cài đặt cùng với nền tảng là để đảm bảo nền tảng hoạt động bình thường, đúng như được thiết kế. Nếu gỡ bỏ hoặc không cài đặt các phần mềm, ứng dụng đó, nền tảng sẽ không hoạt động bình thường, không cung cấp được đầy đủ các tính năng như được thiết kế (như đã cam kết với người tiêu dùng).

Các nền tảng số thường xuyên cập nhật, bổ sung các tính năng của mình thông qua cập nhật, bổ sung các phần mềm, ứng dụng. Người dùng có thể chọn không dùng các tính năng này nhưng không thể gỡ hoặc không cài đặt các ứng dụng này khi cập nhật các bản nâng cấp nền tảng. Các nền tảng số, nhất là nền tảng khởi nghiệp cần nguồn vốn từ các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư này có thể yêu cầu cài đặt sẵn phần mềm ứng dụng của họ trên nền tảng và ứng dụng này không thể gỡ bỏ bởi người dùng. Nếu điều kiện này không được đáp ứng thì họ sẽ không đầu tư.

Trong khi mô hình chia sẻ doanh thu giữa nền tảng và các ứng dụng rất phổ biến (ví dụ ứng dụng tìm kiếm của Google được cài đặt sẵn trên nhiều nền tảng, thiết bị). Cốc Cốc cũng có thể hợp tác với B-Phone để cài sẵn Cốc Cốc trên điện thoại này. Nếu bị cấm, cơ hội phát triển của Cốc Cốc sẽ bị ảnh hưởng.

Từ đó, chuyên gia này đề nghị bỏ quy định này tại điều 10.3 về Tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số bị cấm.

Dự hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vẫn có thể tổ chức hội thảo để lấy ý kiến đầy đủ của các vùng, miền đối với các nội dung trong dự án Luật; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *