GIỚI THIỆU VỀ QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CỦA HIỆP HỘI TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẾN NAY. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, ĐIỀU LỆ HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI.
Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam là tổ chức xã hội – nghề nghiệp của các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh theo phương thức đa cấp, được thành lập theo Quyết định số 935/QĐ-BNV đề ngày ngày 15 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Điều lệ Hiệp hội được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định 1363/QĐ-BNV ngày 02/10/2009.
Hiệp hội được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam.
– Trụ sở chính: tầng 3, số 100 phố Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội;
– Văn phòng đại diện: Số 07 Nguyễn Văn Trỗi, Phường 11, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.
– Website: http://www.mlma.org.vn/
– Email: info@mlma.org.vn
Ngày 27/11/2020, Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Hiệp hội nhiệm kỳ III (2020-2025). Tính đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội đã trải qua đã trải qua ba nhiệm kỳ hoạt động với chức năng tập hợp đoàn kết các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp hợp tác, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các Hội viên, nâng cao đạo đức kinh doanh, nắm bắt kịp thời những chủ trương chính sách của Nhà nước, từ đó kinh doanh đúng pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Về cơ cấu Ban chấp hành Hiệp hội gồm có: 01 Chủ tịch, 01 Phó chủ tịch và 05 ủy viên. Chủ tịch Hiệp hội là Bà Trương Thị Nhi – Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại Lô Hội.
Về thành viên Hiệp hội: Hiện tại, Hiệp hội hiện có 20 Hội viên là các Doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Về nhiệm vụ, căn cứ theo Điều 7 Điều lệ sửa đổi, bổ sung được phê duyệt ngày 06 tháng 06 năm 2021, Hiệp hội thực hiện các nhiệm vụ sau:
– Chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến tổ chức, hoạt động của Hiệp hội; tổ chức, hoạt động theo Điều lệ Hiệp hội đã được phê duyệt phù hợp với pháp luật; không được lợi dụng hoạt động của Hiệp hội để làm phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống của dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
– Tập hợp, đoàn kết hội viên; tổ chức, kết nối, phối hợp hoạt động giữa các hội viên vì lợi ích chung của Hiệp hội; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội nhằm tham gia phát triển các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của Hiệp hội, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
– Phổ biến, bồi dưỡng kiến thức cho hội viên, hướng dẫn hội viên tuân thủ pháp luật, chế độ, chính sách của Nhà nước và Điều lệ, quy chế, quy định của Hiệp hội.
– Đại diện hội viên tham gia, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền về các chủ trương, chính sách liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội theo quy định của pháp luật.
– Khen thưởng, hòa giải tranh chấp, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hiệp hội theo quy định pháp luật và Điều lệ Hiệp hội.
– Xây dựng và ban hành quy tắc đạo đức trong hoạt động của Hiệp hội.
– Hàng năm, Hiệp hội phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 14 Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà Hiệp hội hoạt động, chậm nhất vào ngày 01 tháng 12 hàng năm.
– Chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tuân thủ pháp luật.
– Lập và lưu giữ tại trụ sở Hiệp hội danh sách hội viên, chi hội, văn phòng đại diện và các đơn vị trực thuộc Hiệp hội, sổ sách, chứng từ về tài sản, tài chính của hội và văn phòng đại diện, biên bản các cuộc họp ban lãnh đạo Hiệp hội.
– Quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí của Hiệp hội theo đúng quy định của pháp luật.
– Thực hiện các nhiệm vụ khác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.